Trang chủ Tin tức
2015-06-16 06:11:29

Mai

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MAI

1. Mô tả giống

 Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam. Cây mai sinh trưởng và phát triển mạnh, có tuổi thọ cao và nếu được chăm sóc chu đáo sẽ cho hoa nhiều và có màu sắc đẹp. Cây mai mỗi năm rụng lá một lần vào cuối mùa Đông (tháng 1 - tháng 2 Dương lịch) và nở hoa vào đầu mùa Xuân, chỉ riêng mai Tứ Qúy là nở hoa quanh năm.

Hiện nay nhờ kỹ thuật lai tạo giống, các nghệ nhân đã tạo ra được các giống mai có nhiều cánh, cánh xếp nhiều tầng như mai Huỳnh Tỷ, mai Giảo, mai Cúc, mai Cửu Long…và đa dạng về màu sắc như Bạch Mai, mai Miến Điện, mai Bến Tre, mai Tứ Quý…

2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai không phức tạp. Tuy nhiên để có một cây mai theo ý muốn của nguời chơi, ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh việc trồng và chăm sóc mai cần chú ý một số điểm sau:

2.1. Chọn đất trồng mai:
  * Đất trồng mai trên vườn, líp: Cây mai phát triển tốt trên đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ, đất không chua, không bị nhiễm phèn, mặn hoặc các hoá chất độc hại.
  * Đất trồng mai trong chậu: cần chọn loại đất có các tính chất như trên, trộn theo tỷ lệ khoảng 70-80% đất và 20-30% phân hữu cơ hoai mục theo trọng lượng đất trong chậu. 
2.2. Kỹ thuật bón phân 
2.2.1  Mai trồng trên vườn, líp: 
 * Bón lót khi trồng: 
  Phân chuồng (phân trâu bò, tro trấu, sơ dừa…) đã qua ủ khoảng 5-10 kg/gốc, vôi bột khoảng 200-300 gr/gốc + 50-100gr lân Đầu Trâu. Toàn bộ lượng phân này được trộn đều trong hố (hoặc rãnh) trước khi trồng cây con. 
 * Bón thúc: 
  Sau khi trồng khoảng 10-15 ngày, cây bắt đầu ra rễ mới, dùng phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu hoà loãng để tưới, lượng phân sử dụng từ 50-100 gr/10-15 lít nước, khoảng 20-30 ngày tưới 1 lần. Khi mai đã lớn, lượng phân bón cũng được tăng dần và khoảng cách các lần bón phân xa hơn. Loại phân bón qua đất thích hợp cho mai là NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE. Lượng bón khoảng 20 -50 gr/gốc/lần bón, cách khoảng 1-2 tháng bón 1 lần.
  Khi mai đã cho hoa ổn định: Hàng năm cần bón bổ sung phân hữu cơ từ 5-10 kg/gốc. Sử dụng loại phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE bón mỗi năm khoảng 3-4 lần với lượng bón như trên vào các đợt: sau khi tàn hoa (sau dịp Tết), cắt tỉa cành; đầu mùa mưa; giữa mùa mưa và trước khi mai nở hoa khoảng 1-1,5 tháng. Cần bón phân theo hốc, theo rãnh sâu từ 5-7 cm theo tàn lá của cây, bón vào vùng có nhiều rễ non phát triển, sau đó lấp đất, giữ ẩm vào mùa khô, thoáng gốc vào mùa mưa. 
2.2.2  Mai trồng trong chậu 
  Tuỳ theo kích thước chậu, lượng bón có thể thay đổi từ 20-50 gr/chậu cho 1 lần bón. Với chậu lớn, cây mai nhiều tuổi có thể bón khoảng 50-80 gr/chậu. Tạo rãnh xung quanh thành chậu, sâu khoảng 3-5 cm, rải phân đều vào rãnh, lấp đất và tưới đủ ẩm. Tránh làm đứt rễ, cây dễ bị nhiễm bệnh qua vết thương. Nếu có điều kiện, hàng năm vào đầu mùa mưa nên thay đất trong chậu bằng đất mới tơi xốp, hoặc bổ sung phân hữu cơ đã hoai mục, lượng bón từ 2-3 kg/chậu. 
 * Sử dụng phân bón lá : Ngoài việc sử dụng phân bón qua đất, phân bón lá có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh trưởng và phát triển, bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt trong đất, kích thích ra rễ, ra lá, ra hoa theo ý muốn của người chơi mai.
  Một số loại phân bón lá được nhà vườn quan tâm đó là: Phân bón lá Đầu Trâu 501 thúc ra chồi ra lá, Đầu Trâu 701 thúc ra bông và Đầu Trâu 901 có tác dụng dưỡng bông giúp bông lâu tàn và có màu sắc đẹp. Tương tự nhóm sản phẩm phân bón lá Đầu Trâu 005Đầu Trâu 007Đầu Trâu 009 cũng có hiệu quả cao đối với tất cả các loại mai cảnh.
 3. Phòng trừ sâu, bệnh hại

 Vệ sinh cây: phải rửa sạch rong rêu, nấm móc bám lâu ngày trên cây vì chúng chính là môi trường tốt cho các nấm bệnh bám vào. Thường xuyên kiểm ta và cắt tỉa bớt những cành mọc chen bên trong ( những cành nầy chỉ tranh dinh dưỡng chứ không cho được bao nhiêu hoa) nhất là trong mùa mưa.

Phun ngừa sâu bệnh thường kỳ không để khi sâu bệnh tấn công rồi mới phun, cây dù có hết sâu bệnh cũng mất sức đi một phần. Nếu trồng ít thì nên dùng các thuốc có nguồn gốc sinh học hay vi sinh để phòng bệnh cho cây là tốt nhất ( Agrostim TM, Wehg,...)

Tùy theo sức khỏe của cây mà có biện pháp thích hợp cho từng cây, không giáo điều rập khuôn theo một hướng dẫn nào đó vì những hướng dẫn đó chỉ mang tính chung chung cho các cây mai bình thường Thí dụ hướng dẫn như : sau Tết thay đất cho cây nhưng lúc ấy cây bị suy hoặc trời quá nóng hoặc cây đang bị sâu bệnh mà ta tiến hành thay đất thì có thể làm cho cây suy thêm hoặc có thể chết. Người chăm sóc mai phải biết nhìn tán lá , nhìn các biểu hiện của một số lá đánh giá được cây mai đang thiếu chất gì, dư chất gì, cần bón phân như thế nào...một số các trường hợp cụ thể :
-Lá cây bị vàng :
Trường hợp cây mới bứng: Những lá già bị vàng chứng tỏ một phần rễ bị mất đi phần còn lại không đủ khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi cây, nếu lá không vàng mà cả lá non lá già bị héo chứng tỏ bộ rễ bị tổn thương trầm trọng cây có thể chết nếu không được chăm sóc đúng mức.
Trường hợp cây đang trồng bình thường mà lá bị vàng: Có các trường hợp xảy ra:
+ Cây bị khô : cây không nhận đủ nước , lá sẽ biến màu nhạt rồi vàng, khô dần. Nguyên do nước tưới quá ít hoặc chỉ tưới ướt trên bề mặt đất và nước chưa đủ thấm xuống đã bốc hơi khô đi, có thể không khí quá khô làm lượng nước trong lá bốc hơi nhanh
+ Nước trong chậu bị đọng lại : Nước đã bịt kín các khe hở trong đất, không khí không vào được trong đất , một số chất hữu cơ trong đất dưới tác dụng vi khuẩn tạo ra khí độc cho cây như CH4, SO2 …Phải ngưng tưới, không được bón phân tiếp và xới đất (không để đứt rễ nhiều) lên để tạo thông thoáng, kiểm tra các lỗ thoát nước
+ Nhiệt độ quá cao : nhất là tháng sau Tết mai được chưng mất sức mà nền nhiệt quá cao làm mai thoát nước nhanh . Cần phải đưa vào nơi mát và thông thoáng, tăng cởng thêm đạm và kali cho cây .
+ Thiếu ánh sáng : Mai là cây thích ứng với ánh sáng mạnh, khi ta đặt cây vào các vị trí thiếu nắng có thể làm cho lá bị vàng nhạt.
+ Phân bón quá nhiều :Nhiều người muốn mai lớn nhanh nên bón phân quá nhiều và đôi khi bón liên tục , cây bị sốc phân làm cho bìa lá bị vàng, khô đi nhất là phân hữu cơ chưa hoai hoặc phân vô cơ qua liều . Phải ngừng ngay việc bón phân , tưới thật nhiều nước và tưới nhiều lần trong vài ngày, sau đó đem chậu vào nơi thoáng mát để yên cho cây, hàng ngày tưới nước vừa phải như các cây khác. Trường hợp bị sốc phân qua nặng nên thay chậu và thay đi một ít đất.
+ Đất có độ kiềm cao. Những vùng đất có khí hậu lạnh thường có độ kiềm cao, trong khi mai thì thích hợp cho vùng đất “hơi chua” Nên tưới thêm sulfat sắt 0.2 %
+ Thiếu phân : Lá sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo thiếu nguyên tố gì nhưng thường thì màu xanh nhạt dần chuyển qua vàng, nhỏ. Cành phát triển yếu. Nên thay đất và tăng cường phân bón cho cây.
-Lá cây biểu hiện mất cân đối của dưỡng chất hay thiếu hụt một nguyên tố đa lượng , trung lượng hay vi lượng nào đó: Người trồng mai có kinh nghiệm có thể nhìn màu sắc của lá, các chi tiết khác biểi hiện trên lá có thể đoán biết được cây bị mất cân đối chất, cụ thể thiếu nguyên tố nào, xin có một vài thí dụ:
+ Thiếu nguyên tố Đạm :Lá có màu nhạt, còi,thân bé và nứt, nếu năng lá sẽ bị vàng khô nhưng ít bị rụng
+ Thiếu nguyên tố Lân: Lá có màu xanh sẫm, mọc chậm, gân lá có màu vàng hoặc tím, cuống lá màu tím và dễ rụng
+ Thiếu nguyên tố Kali: Lá phía dưới có đốm, đầu và mép lá bị khô vàng, biến thành màu nâu và xoắn, lá phía dưới dễ bị rụng
+ Thiếu nguyên tố Calci: Đầu lá khô thối thành dạng mốc câu, chồi thường bị chết, bộ rễ bị chết
+ Thiếu nguyên tố Sắt : Lá mới ra bị vàng nhưng gân lá có màu xanh, đầu lá khô và lan rộng, chỉ còn gân lá màu xanh.
+ Thiếu nguyên tố Manhê (Mg): Lá phía dưới vàng, xuất hiện đốm khô, gân lá không vàng, mép lá cuốn ngược, giữa gân lá vàng khô.
+ Thiếu nguyên tố Mangang (Mn): Lá mới ra bị vàng chỉ gân lá màu xanh, hình thành mạng lưới nhỏ, đốm bệnh ở khắp mặt lá, hoa nhỏ
+ Thiếu nguyên tố Bo: Đầu ngọn chết khô, góc lá non bị thối, thân và cuống lá dòn, bộ rễ bị chết nhất là đầu rễ
+ Thiếu Lưu huỳnh (S): Lá mới xanh nhạt, nhạt vùng giáp giới gân lá và thịt lá, có lúc có đóm nhưng không khô.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ