Trang chủ Tin tức
2015-06-17 03:45:04

Keo lai

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KEO LAI

(Acacia hybrids)

1. Mô tả giống

*Tên: Keo lai có tên khoa học là Acacia hybrids thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae).

* Giá trị sử dụng

Gỗ keo lai có thớ mịn, màu sáng nên được sử dụng chủ yếu để làm bột giấy. Gỗ có thể dùng trong xây dựng và đóng đồ mộc thông thường. Ngoài ra do hệ rễ có nhiều nốt sần nên Keo lai còn có khả năng cải tạo đất tốt.

*Đặc điểm hình thái

- Keo lai là cây gỗ nhỡ thường cao hơn cây bố và mẹ, có độ tròn đều thân hơn Keo tai tượng, có đường kính cánh nhỏ hơn và khả năng tỉa cành tốt hơn Keo tai tượng.

- Keo lai là cây mọc nhanh, có hoa tự hình bông, quả đậu xoắn, hạt hình trái xoan hơi dẹt.

*Đặc điểm sinh thái

Keo lai là cây ưa sáng sinh trưởng, phát triển mạnh trên những nơi đất tốt, có lượng mưa trên 1.500 mm/năm, đọ cao dưới 500 m. Cây thích hợp với tầng đất dày. Tuy nhiên trên các loại đất nghèo dinh dưỡng cây vẫn có thể phát triển tốt.

2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

*Thời vụ trồng: Trồng vào đầu mùa mưa, không trồng vào những ngày mưa to.

*Phương thức trồng và mật độ trồng

- Trồng thuần loài với mật độ 1.600 cây/ha (cự ly trồng 3x2 m) ở nơi đất xấu và mục đích kinh doanh gỗ nhỏ hoặc với mật độ 1330 cây/ha (cự ly 3x2,5 m), 1100 cây/ha (3x3m) ở nơi đất tốt với mục đích kinh doanh gỗ lớn.

- Trồng hỗ giao với cây bản địa: Cây bản địa: 1000 cây/ha. Cây phụ trợ: 600 cây/ha.

* Tiêu chuẩn cây con: Cây con giống từ 3-4 tháng kể từ lúc bắt đầu giâm hom. Chiều cao từ 25 – 30 cm, đường kính cổ rễ lớn hơn 2,5 mm; cây không cong queo, không cụt ngọn, không bị bệnh, sinh trưởng và phát triển cân đối.

*Kỹ thuật trồng cây

- Cuốc hố: Kích tước hố 30x30x30 cm. Hố bố trí so le theo hình nanh sấu giữa các hàng, cuốc hố trước khi trồng 1 tháng. Lấp hố kết hợp với bón lót từ 0,1-0,3 kg phân NPK/hố, vun đất theo hình mui rùa.

- Cách trồng: Dùng cuốc bổ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu, đặt cây sao cho cổ rễ ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh cho kín, ấn chặt.

* Kỹ thuật chăm sóc:

- Chăm sóc 3 năm đầu, mỗi năm 2 lần. Lần 1 vào tháng 4-5, lần 2 vào tháng 9-10.

- Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi. Xới đát xung quanh gốc đường kính rộng 60-80 cm, sâu 3-4 cm, vun gốc kết hợp bón thúc 0,1-0,3 kg phân NPK/cây vào lần chăm sóc đầu. Khi chăm sóc kết hợp với trồng dặm và tỉa thân phụ chỉ để lại một thân chính.

+ Bảo vệ không để người và gia súc phá hại kết hợp công tác phòng chống cháy rừng.

3.   Phòng trừ sâu, bệnh hại

* Sâu bệnh hại

- Sâu kèn nhỏ:  Sâu kèn gây hại làm lá bị những đốm khô và thủng, mất khả năng quang hợp, cây trở nên còi cọc. Sâu non tuổi 1 đến tuổi 3 chỉ ăn lớp biểu bì của lá, các tuổi sau ăn lá thành các lỗ hoặc ăn hết lá chỉ để lại gân lá

- Mối: Ở rừng cây mới trồng dưới 1 tháng tuổi, mối cắn gốc thân và rễ. Ở rừng cây lớn, mối cắn rễ và vỏ thân tạo những đường hầm xung quanh thân làm cây héo, chết. Mối thường gây hại trên rừng mới trồng thay thế rừng nghèo kiệt.

- Sâu nâu vạch xám : Sâu ăn lá làm giảm tăng trưởng của rừng.

- Bệnh phấn trắng lá keo: Lá non, chồi non và cành non mới đầu có các đốm nhỏ trong suốt, dần dần trên lá có các bột trắng, đó là sợi nấm và bào tử phân sinh. Sợi nấm phát triển ra xung quanh rồi lan rộng cả lá. Bệnh nặng có thể làm cho lá xoăn lại, màu nâu vàng, khô chết, nhưng lá không rụng.

Bệnh thán thư (đốm than) lá keo : Bệnh gây hại cây keo ở vườn ươm và rừng trồng, làm cây sinh trưởng chậm.

- Bệnh đen thân:  ban đầu gốc biến thành màu nâu, lá mất màu xanh, bệnh phát triển dần lên ngọn làm lá khô héo rũ xuống phần vỏ thân co ngót, tầng trong vỏ thối đen, xốp hoặc dạng bột. Trong đó mọc nhiều hạch nấm màu đen. Nấm bệnh có thể xâm nhiễm vào phần gỗ, phần tủy gỗ biến thành màu nâu đen và lan dần đến phần rễ cây, nhổ cây lên chỉ còn lại phần gỗ.

- Bệnh nấm hồng: Khiến cho đỉnh ngọn cây bị chết, đổ gẫy, từ chỗ gốc, cây mọc chồi mới. Trường hợp nặng toàn bộ cây bị chết.

* Biện pháp phòng trừ

-  Bảo vệ các loài thiên địch sẵn có trên vườn keo của sâu nâu vạch xám, sâu kèn, sâu gấp mép lá bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, bảo vệ tầng cây bụi thảm tươi để có nơi cho thiên địch trú ngụ.

- Sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ mối

+ Trước khi đem trồng pha trộn chế phẩm sinh học với đất bột hoặc phân vi sinh, phân hữu cơ bón cho 500m2 đất. Rắc đều thuốc xuống hố và trên mặt hố trước khi trồng cây rồi lấp đất.

+ Hoặc trước khi đem trồng dùng mồi nhử mối đến (bả mía, cỏ, cành khô lá rụng…), khi mối đến phun chế phẩm sinh học vào mối, cho mối dính thuốc chạy về tổ, sau đó xếp hộp mồi nhử lại đúng vị trí cũ, 5-7 ngày sau khi mối rút hết về tổ thì dọn bỏ hộp.

4. Khai thác, sử dụng

- Áp dụng có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ (không để ngư­­ời, gia súc phá hại), làm đ­ường ranh cản lửa, làm tốt công tác phòng chống cháy rừng phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

- Keo Lai có thể cho thu hoạch sau 6-7 năm trồng hoặc lâu hơn tùy thuộc mục đích sử dụng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ