Trang chủ Tin tức
2016-03-15 20:04:17

Bước đột phá ở Đại học Thái Nguyên

Đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên khảo sát, nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp , Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

 



Đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên khảo sát, nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp , Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

 

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sao cho thiết thực, hiệu quả, trước tiên cần những biện pháp khả thi. Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã tập trung trí tuệ, cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp thành những đề án, chương trình cụ thể, lãnh đạo, triển khai tới từng tổ chức đảng và đảng viên, tạo bước phát triển mới.

“Bắt nhịp” thị trường

Đại học Thái Nguyên đã và đang có bước đi đột phá để trở thành một đại học vùng chất lượng cao. Đến thăm một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên, một thành viên của Đại học Thái Nguyên, chúng tôi thấy rõ hơn điều này. Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển thủy sản vùng Đông Bắc rộng 3,2 ha cung cấp giống thủy sản có giá trị kinh tế cao cho sáu tỉnh miền núi phía bắc là Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái. Đây là mô hình cho sinh viên học tập kết hợp kinh doanh thủy sản, bảo tồn các loại cá quý như ba ba gai, cá bỗng, cá lăng chấm, cá trạch sông, chày mắt đỏ… Từ việc nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống, trung tâm đã có nguồn thu nộp về cho trường.

Đặc biệt, nhiều năm gần đây, trường mở hướng tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu thực hành nghề. Viện Khoa học sự sống bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học, dược học, công nghệ y sinh học, chế biến thực phẩm và công nghệ môi trường, đã đầu tư các máy móc hiện đại, thương mại hóa các dịch vụ và tự chủ được tài chính.

Một điển hình tốt của mô hình doanh nghiệp công nghệ là Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp dưới sự lãnh đạo của PGS, TS Trần Thị Thu Hà. Đồng nghiệp đánh giá chị là một nhà khoa học nhiệt huyết và có năng lực quản lý. Khi chúng tôi đến thăm Viện là gần 12 giờ trưa nhưng không khí làm việc rất nghiêm túc. Cán bộ, nhân viên ăn trưa tại Viện để tranh thủ làm việc với một tinh thần hăng say. Các phòng nghiên cứu hiện đại để đáp ứng đơn đặt hàng từ 50 tỉnh, thành phố đang được triển khai tại Viện. Sản phẩm chủ lực của Viện mang thương hiệu vùng là các giống gốc, đặt hàng nhiều nhất là giống keo và bạch đàn. Bên cạnh đó, Viện đang trồng cây lan kim tuyến, một loại dược phẩm quý, cây gừng gió Bắc Cạn có giá thị trường từ một đến 1,5 triệu đồng/kg,… Nhờ năng lực nghiên cứu khoa học và khả năng thích ứng thị trường cao, nhiều năm qua, Viện đã hoàn toàn tự chủ tài chính.

Cùng đi thăm những mô hình nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Ngọc Nông, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên nêu mục tiêu lãnh đạo, phát triển: “Nhà trường xác định phải gắn kết chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, công suất sử dụng lao động và xây dựng mục tiêu, chiến lược đào tạo. Đảng ủy nhà trường đang triển khai đề án “Kết nối doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động” để đánh giá chất lượng đào tạo một cách khách quan, chính xác”. Năm 2015, nhà trường thu hơn 40 tỷ đồng và hàng triệu USD từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thực tế và nhu cầu phát triển của nhà trường cho thấy, các cơ quan nhà nước cần xây dựng chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng các ngành hoa viên cây cảnh, công nghệ sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản vì những ngành này rất cần thiết đối với xã hội. Nhà nước cần có bộ phận chuyên trách làm công tác dự báo nhân lực, đào tạo, điều tra lao động dôi dư, …làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xác định nhu cầu đào tạo.

Tạo “kênh” đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đại học Thái Nguyên bao gồm 24 đơn vị thành viên, trong đó có bảy trường đại học, một trường cao đẳng, hai khoa trực thuộc, năm viện nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu, các đơn vị phục vụ đào tạo. Với gần 100 nghìn cán bộ, giáo viên và sinh viên, Đại học Thái Nguyên đang thực hiện tốt vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực - cán bộ của vùng trung du, miền núi phía bắc.

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Thái Nguyên. Đảng bộ có hơn 3.700 đảng viên sinh hoạt trong 11 chi bộ, đảng bộ cơ sở. Chương trình công tác toàn khóa của Đảng ủy nhà trường nhiệm kỳ 2010 - 2015 được cụ thể hóa thành 11 đề án bao quát mọi nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở vật chất và quản lý,… Kèm theo các đề án là điều kiện bảo đảm như nhân lực, kinh phí, tiến độ thực hiện. Có những đề án giúp nâng cao chất lượng đào tạo, như Đề án đánh giá hiện trạng sinh viên tốt nghiệp, đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học và chuyên môn của sinh viên sau khi ra trường. Liên tục bốn năm qua, trường mời đại diện các cơ quan, doanh nghiệp quản lý sử dụng lao động đánh giá sinh viên tốt nghiệp làm cơ sở điều chỉnh đào tạo sát với thực tiễn hơn.

Do chất lượng “đầu ra” của nhà trường được bảo đảm, nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ đã phối hợp Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo nhân lực tại chỗ. Khi nhu cầu nhân lực thực hiện nông thôn mới tăng, có những địa phương tìm đến tận trường đề nghị cử giáo viên về giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã như huyện Văn Chấn (Yên Bái). Trung bình mỗi năm Đại học Thái Nguyên kết nạp 600 đảng viên mới, trong đó hơn 70% là sinh viên. Nhân lực do trường đào tạo đang trực tiếp tham gia vào hệ thống chính trị các cấp, xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc và Đông Bắc, nhất là các vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Xây dựng và triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo sự phát triển nhanh, đồng bộ luôn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo nhà trường. Về vấn đề này, GS, TS Đặng Kim Vui, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nêu cách làm của Đảng ủy: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 -2020 đề ra chín đề án xây dựng Đảng. Trung bình sáu tháng, Đảng ủy tổ chức các đoàn kiểm tra, nghe báo cáo tiến độ thực hiện các đề án, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Các chi bộ, đảng bộ yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ, giáo viên phải tự xây dựng chương trình hành động của cá nhân, đề ra lộ trình phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Trên cơ sở đăng ký và nhu cầu đào tạo của từng đơn vị, các trường thành viên và Đại học Thái Nguyên xây dựng kế hoạch đào tạo chung và các chính sách hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở trong nước và nước ngoài. Phương hướng tới, nhà trường duy trì ổn định quy mô chính quy, giảm quy mô phi chính quy và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường sẽ tăng cường kiểm định 150 chương trình đào tạo hiện có và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có từ 10 đến 15 chương trình đào tạo được kiểm định độc lập bởi các tổ chức quốc tế.

Những cách làm sáng tạo trong việc đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống của Đại học Thái Nguyên rất đáng tham khảo đối với các đảng bộ khối giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nghị quyết của tổ chức Đảng luôn có sức sống, gắn sát với cuộc sống khi những mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người và giải quyết các nhu cầu cấp bách từ cuộc sống.

Các bạn quan tâm, có thể xem thông tin được đăng tải trên báo nhân dân tại đường link http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/28991502-buoc-dot-pha-o-dai-hoc-thai-nguyen.html

Theo báo nhân dân

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ