Trang chủ Tin tức
0000-00-00 00:00:00

Cây Kim ngân

Tên khoa học:Lonicera japonica Thunb.

Họ thực vật: Họ Cơm Cháy (Caprifolianceae).

 

Đặc điểm: Kim ngân là một loại dây mọc leo, thân có thể vươn dài tới 10m hay hơn. Cành lúc còn non màu lục nhạt, có phủ lông mịn, khi cành giả chuyển màu nâu đỏ nhạt, nhẵn.

Lá mọc đối, đôi khi mọc vòng 3 lá một, hình trứng dài, đầu hơi tù, phía cuống tròn, cuống ngắn 2-3mm, cả hai mặt đều phủ lông mịn. Vào các tháng 5-8, hoa mọc từng đôi ở kẽ lá, mỗi kẽ lá có 1 cuống mang 2 hoa, hai bên lá mọc đối mang 4 hoa. Quả hình trứng dài chừng 5 mm.

Cây kim ngân có chứa nhiều dược chất tốt như tannin, Inositol, Luteolin, b-Sitosterol-D-Glucoside, Isochlorogenic acid, b-Sitosterol, Stigmasterol, Stimasteryl-D-Glucoside, Chlorogenic acid, Ginnol,... Hoa Kim ngân chứa một flavonoid là scolymosid lonicerin và một số carotenoid (S. caroten, cryptoxanthin, auroxanthin). Ở Trung Quốc, Kim ngân được dùng từ lâu đời như một loại thuốc hạ sốt, làm dễ tiêu và trị lỵ. Hoa phơi khô dùng để lợi tiểu. Ngoài ra, Kim ngân còn có tác dụng cải thiện chuyển hoá chất béo trong bệnh tăng lipid máu, sau khi uống thuốc các ester trong huyết thanh sẽ giảm. Nước cất nụ hoa Kim ngân (Kim ngân hoa) được dùng tiêm để điều trị bệnh nhiễm khuẩn (Thomas, 2006; Shang et al., 2011).

Hình thái cây Kim ngân hoa

Giống và kỹ thuật nhân giống

Kim ngân có thể được nhân giống vô tính bằng giâm hom hoặc nuôi cấy mô tế bào.

Tiêu chuẩn cây giống:

- Tiêu chuẩn cây giống từ hom cành:

+ Cây có chiều cao 15-20 cm, có từ 5-6 lá;

+ Cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe, không mang mầm bệnh. Lá xanh và mượt;

+ Tuổi cây giống 3 tháng tuổi (tính từ gieo ươm đến khi xuất vườn)

  • Tiêu chuẩn cây giống từ nuôi cấy mô:

+ Cây có chiều cao 10-15 cm, có từ 5-6 lá;

+ Cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe, không mang mầm bệnh. Lá xanh và mượt;

+ Tuổi cây giống 3 tháng tuổi (tính từ khi cấy cây vào bầu đến khi xuất vườn).

Thời vụ trồng

Thời điểm trồng cây Kim ngân thích hợp nhất vào khoảng từ tháng 2 - 3.

Đất trồng và kỹ thuật làm đất

- Phương thức trồng: trồng tập trung hoặc trồng phân tán dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng.

- Xử lý thực bì: Phát bỏ dây leo, cây bụi chỉ giữ lại những cây tầng trên. Phát thực bì toàn diện.

- Làm đất: Cuốc toàn diện, làm tơi đất.

- Đào hố trồng: Kích thước hố 30 x 30 x 30cm, khoảng cách cây 1 x 1,5m..

- Cắm cọc cho cây leo: Mỗi cây cắm 3 cọc theo dạng hình chữ X, cọc có đường kính 5-6 cm, dài 2 m.

Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ: 6.666cây/ha.

Khoảng cách: 1,0 x 1,5 m.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

Bón lót: 0,5 kg phân chuồng hoai mục/hố và từ 0,05kg phân hữu cơ vi sinh.

Bón thúc: Mỗi năm chia 2 lần, lần 1 vào tháng 3 – 4, lần 3 vào tháng 11 -12, mỗi lần bón thúc 0,1 kg phân hữu cơ vi sinh/hố.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

- Phương thức trồng: Có thể trồng tập trung hay trồng phân tán dưới tán rừng tự nhiên hay rừng trồng.

- Khi trồng: Dùng cuốc nhỏ moi một lỗ ở giữa hố, chiều sâu bằng chiều dài của bầu. Dùng dao rạch bỏ vỏ bầu, đặt bầu vào giữa hố cho ngay ngắn, ấn nhẹ đất xung quanh cho tiếp xúc với bầu, phủ đất bằng miệng bầu.

- Chăm sóc: Thường xuyên làm cỏ, nhất là vào mùa mưa ẩm. Làm cỏ lúc cây mới trồng, hàng năm nên xới xáo, vun gốc từ hai đến ba lần để tạo độ thoáng cho cây phát triển.

- Tưới nước: Nên tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm tốt nhất cho cây, sau khoảng 1 tháng thì cây bắt đầu mọc.

Phương pháp tưới nước cho cây: Có thể tưới trực tiếp vào gốc cây hoặc tưới rãnh cho nước ngập mặt luống thì dừng lại, với phương pháp tưới này độ ẩm cho cây được giữ lâu hơn.

Nguồn nước sử dụng là nguồn nước không bị ô nhiễm.

Khi ngập úng phải thoát nước ngay tránh làm cây bị chết.

Phòng trừ sâu bệnh

Nên thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Do kim ngân hoa ít bị sâu hại, nên nếu xảy ra trường hợp có sâu thì cũng chỉ nên loại bỏ bằng tay, không nên dùng đến thuốc để đảm bảo tính dược liệu an toàn của cây kim ngân hoa.

Để hạn chế tình trạng sâu bệnh của cây thì nên tường xuyên theo dõi để phòng trừ kịp thời. Song, cây kim ngân ít bị sâu hại, nên nếu xảy ra trường hợp có sâu thì chỉ nên loại bỏ sâu bằng phương pháp thủ công, không nên dùng đến thuốc trừ sâu để đảm bảo tính dược liệu an toàn của cây kim ngân.

Thu hoạch và bảo quản

- Thời vụ thu hoạch: Thời vụ thu hoạch kim ngân là từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, từ lúc cây có nụ hoa đến lúc hoa nở trong khoảng 15 ngày, nhưng tùy theo điều kiện khí hậu mà có sự xê dịch, nhiệt độ khí trời cao thì hoa nở nhanh, nhiệt độ thấp thì hoa nở chậm. Thời gian thích nghi lúc thu hoạch là lúc nụ hoa từ màu xanh trở thành màu trắng, lúc hoa bắt đầu nở là tốt nhất, nhưng nếu thu hoạch lúc nụ hoa còn xanh thì sản lượng và chất lượng đều thấp; nếu thu hoạch lúc hoa đã nở xong cũng sẽ hạ thấp chất lượng và sản lượng. Chính vì vậy nên thu hoạch hoa Kim ngân khi hoa bắt đầu nở rộ, tức là khi hoa nở màu trắng dần chuyển sang màu vàng, để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.

Về thời gian hái, có ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc, hoa hái trước 9 giờ sáng, sau khi phơi khô màu sắc trắng nhất; hoa hái từ 10 giờ sáng trở về sau không thể phơi khô ngay, phần lớn biến thành màu vàng nhạt.

- Kỹ thuật thu hoạch:Dùng kéo cắt cành mang hoa xuống. Cắt hoa để riêng, còn cành thì chặt thành khúc 2-3cm.

Thu dây: Sau khi trồng có thể thu lứa đầu tiên sau 50-60 ngày, sau đó cứ 6 tháng thu một lần. Cắt cành cách mặt đất khoảng 30 cm, cắt khúc nhỏ dài 3- 4cm, đem phơi hoặc sấy khô độ ẩm đạt dưới 12%.

 Thu hoa: Thường cuối tháng 5 đầu tháng sáu (Miền bắc). Cây ra hoa tập trung trong khoảng 15 ngày. Thời điểm thu hái tốt nhất khi nụ hoa chuyển bị nở, vào buổi chiều tối hoặc sáng sớm. Sau khi thu đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 20 – 25oC.

Các dụng cụ và vật tư cần thiết cho việc thu hoạch phải chuẩn bị bao gồm: Dao, kéo cắt cành; thúng, rổ, sọt đựng dược liệu; xe vận chuyển; bạt lót nền phơi thảo dược; túi nilon, bao tải dứa, dậy buộc; nhãn mác hàng hóa. Tất cả các dụng cụ, vật tư sử dụng cho công tác thu hoạch và sơ chế cây Kim ngân cần phải được làm sạch, không bị rỉ sét, không bị nhiễm bẩn.

- Vận chuyển sản phẩm: Các phương tiện sử dụng để vận chuyển dược liệu Kim ngân từ nơi thu hoạch về địa điểm sơ chế cần được làm sạch trước khi sử dụng.

Không sử dụng các phương tiện chở phân bón, thuốc trừ sâu, gia súc, gia cầm, hóa chất, đất cát và các vật có nguy cơ gây ô nhiễm để chở dược liệu Kim ngân. Trong quá trình bốc xếp dược liệu lên xe chú ý không dẫm lên dược liệu, không lèn chặt, không kết hợp việc vận chuyển dược liệu với các sản phẩm khác.

Vận chuyển đến địa điểm sơ chế phải tháo gỡ ngay dược liệu, không để trên xe lâu dược liệu tươi sẽ dễ thối nhũn do nóng làm giảm chất lượng dược liệu Kim ngân.

- Chê biến:Sau khi hái hoa về nên phơi khô ngay. Phơi hoa là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình sản xuất, là một bước quan trọng có tính chất kỹ thuật cao nhất, công tác này quyết định chất lượng kim ngân, nếu phơi khô được tốt, chất lượng sẽ cao; ngược lại, chất lượng sẽ thấp. Các nơi sản xuất kim ngân có hai cách làm khô, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:

Vì sau khi hái hoa phải đem phơi ngay,thường ảnh hưởng bởi thời tiết mà làm cho chất lượng hoa thay đổi. Để đảm bảo chất lượng có thể dùng cách sấy khô; đem hoa kim ngân sấy khô bằng lửa, chất lượng tốt nhất. Lò sấy dài rộng 4,2 m, trong đó có 6 tầng, mỗi tầng cách nhau 40 – 50 cm, mỗi tầng là một giàn, mỗi giàn rải sấy 12 kg hoa, mỗi lần sấy được 72 kg. Chú ý không nên sấy quá nhiều, sấy nhiều sẽ làm hơi nước bốc lên chậm, hoa sẽ biến thành màu vàng. Cạnh giàn sấy để cách tường 27 – 33 cm. Lò sấy 4 góc để 4 lỗ để thông gió, nóc có hai ống thông hơi, rộng 27 cm, dài 40 – 50 cm; còn có hai cửa sổ hình chữ nhật rộng 33 – 43 cm, và một cửa ra vào. Nhiệt độ trong phòng sấy nói chung là 38 – 42oC, nếu nhiệt độ cao quá, dễ làm cho hoa bị khô giòn. Nếu sau khi sấy khô, lại đem ra nắng phơi khô, làm cho hoa màu sắc càng đẹp hơn. Phơi trên nong hoa kim ngân khó phơi trong một ngày là khô, sau đó ba ngày lại phải phơi một lần nữa, phơi lần thứ hai này độ một ngày là khô.

- Đóng gói và bảo quản:

+ Đóng gói: Sau khi phơi hoặc sấy khô, để nguội khoảng 20-30 phút, sau đóng gói ngay. Dược liệu Kim ngân khô đóng gói bằng túi 2 lớp. Lớp trong là túi nilon, lớp ngoài là bao tải; cũng có thể đóng gói 1 lớp bằng bao tải mới, sau buộc kín miệng bao.

+ Dán nhãn: Trên mỗi bao bì dược liệu cần dán nhãn. Nội dung nhãn bao gồm các thông tin:

Tên dược liệu: Kim ngân hoa (Lonicera japonica Thunb)

Khối lượng trong bao

Địa điểm thu hái

Người lấy (Tên đại diện trong gia đình)

Địa chỉ (Thôn, xã, huyện, tỉnh)/điện thoại nếu có

Ngày lấy/ngày chế biến xong - khô và đóng bao (ngày, tháng)

+ Bảo quản:Dễ hút ẩm, mốc, biến màu, mất hương vị, để nơi khô ráo, tránh ẩm, đựng trong hũ có lót vôi sống.

Nơi bảo quản cần tránh xa nơi chứa hóa chất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu...).

Không xếp chồng quá nhiều bao dược liệu.

Nơi chứa dược liệu phải được cách ly với gia súc, gia cầm và vật nuôi.

Không sử dụng thuốc diệt chuột, mối mọt trong các kho bảo quản dược liệu.

Kiểm tra kho thường xuyên để phát hiện các yếu tố gây hại cho dược liệu.

Tốt nhất là sau khi đóng bao và dán nhãn cần liên hệ ngay với các đại lý dược liệu để thu mua.

- Ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc:

+ Ngoài việc ghi nhật ký khai thác, trồng, chăm sóc, thu hoạch và các hoạt động sơ chế hàng ngày cũng cần được ghi chép thành nhật ký.

+ Các hoạt động này cần được ghi vào nhãn hoặc thẻ kho gắn trên các bao, túi dược liệu.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ