Trang chủ Tin tức
0000-00-00 00:00:00

QUY TRÌNH GÂY TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SA MỘC

Tên tiếng việt: Sa mộc

Tên khoa học: Cunninghamia lanceolata (Lamb.) Hook.

Họ thực vật: Bụt mọc (Taxodiaceae)

1. Đặc điểm hình thái

- Cây gỗ lớn, cao trên 30 m, đường kính có thể tới trên 200 cm. Thân tròn và rất thẳng. Vỏ nâu hoặc xám nâu, nứt dọc. Phân cành thấp, cành mọc vòng, thẳng góc với thân, xếp thành nhiều tầng. Tán lá hẹp hình trụ.

       

- Lá hình ngọn giáo, dài 3-6 cm, rộng 3-5 mm; đầu nhọn, cứng; mép lá có răng cưa sắc. Dọc 2 bên gân giữa phía mặt dưới lá có 2 dải phấn trắng, mặt trên có 2 rãnh song song mép lá. Lá xếp xoắn ốc nhưng vặn ở cuống và cùng với cành làm thành mặt phẳng.

- Nón đơn tính cùng gốc. Nón đực mọc cụm đầu cành. Nón cái mọc lẻ hoặc gồm 2-3 chiếc mọc cụm đầu cành. Quả nón hình trứng tròn, cao 2,5-5 cm, đường kính 3-5 cm. Lá bắc dạng vẩy, hoá gỗ, bao phía ngoài vảy nón (lá noãn); mỗi vảy nón mang 3 hạt. Hạt dẹt, có cánh mỏng bao quanh. Nón hình thành vào tháng 3, chín  vào tháng 10-11.

- Rễ chính ít phát triển, rễ ăn nông, rễ bàng tập trung ở lớp đất mặt nhất là khi nhỏ tuổi hệ rễ phân bố gần như ăn ngang.

2. Đặc tính sinh thái

- Sa mộc phân bố tự nhiên ở vùng khí hậu ôn và á nhiệt đới thuộc miền Trung và Nam Trung Quốc biên giới Việt – Trung, từ 22 đến 32 vĩ độ Bắc. Việt Nam đã trồng ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh nhiều năm nay. Sa mộc ưa nơi khí hậu ôn hòa, ít tháng rét quá và cũng không có tháng quá nóng. Thích hợp ở nhiệt độ trung bình năm từ 16-190C lượng mưa năm 1400-1900mm. Độ ẩm không khí của các tháng trong năm trên 75%, vùng có nhiều sương mù và ánh sáng tán xạ.

- Sa mộc ưa đất sâu ẩm, cát pha, thoát nước, mát thoáng, độ pH lớn hơn 5, nhiều mùn, còn mang tính chất đất rừng. Ưa đất phát triển  trên đá phiến thạch sét hoặc phiến thạch mica, đá vôi, đá macma các loại, có tầng dầy 0,7-0,8m trở lên. Không thích hợp trên đất kiềm hoặc mặn.

- Sa mộc là loài cây ưa sáng, lúc nhỏ cũng cần có bóng che, mọc khá nhanh so với các loài cây lá kim khác. Sa mộc tỉa cành tự nhiên rất tốt và tái sinh chồi cũng rất mạnh, có thể kinh doanh rừng chồi liên tục 3 đến 4 thế hệ.

 - Là cây lấy gỗ, có giá trị kinh tế lớn, gỗ bền đẹp dùng trong xây dựng và đóng đồ gia dụng, có hình dáng đẹp trồng làm cây cảnh quan. Là loại cây ưa sáng mọc nhanh so với một số loài lá kim khác, tỉa cành tự nhiên tốt, tái sinh chồi rất mạnh. Phù hợp nơi có tầng đất dày, ẩm, nhiều mùn, thoát nước.

           

II. KỸ THUẬT TRỒNG

1. Thời vụ trồng

- Vụ xuân: Trồng vào tháng 3 đến tháng 4 d­ương lịch.

- Vụ thu: Trồng vào tháng 8 đến tháng 9 dương lịch.

2. Điều kiện nơi trồng

- Cây Sa Mộc có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao nên trồng nơi còn tính chất đất rừng, đất có tầng dầy, nhiều mùn thoát nước. Thích hợp ở độ cao từ 500m so với mặt nước biển

3. Mật độ, làm đất, cuốc hố

 - Có thể lựa chọn các mật độ trồng khác nhau:

+ Trồng mật độ 1.100 cây/ha, khoảng cách: 3mx3m.

+ Trồng mật độ 1.600 cây/ha, khoảng cách: 2mx3m.

+ Trồng mật độ 2.000 cây/ha, khoảng cách: 2mx2,5m. 

- Xử lý thực bì: Nơi địa hình có độ dốc dưới 20phát toàn diện hoặc phát theo băng. Nơi có độ dốc trên 200 phát thực bì theo đư­ờng đồng mức (băng phát rộng 1,5m, băng chừa để rộng 1,5m)

- Cuốc hố có kích th­ước: Dài 30cm, rộng 30cm, sâu 30cm, lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới để riêng, chuẩn bị hố trư­ớc khi trồng cây từ 15 - 20 ngày

- Nếu có điều kiện trồng thâm canh mỗi hố bón lót 1kg phân chuồng hoai với 0,1 - 0,2kg lân supe. Trộn đều phân với lớp đất mặt cho vào hố và lớp đất dưới lấp lên trên.

4. Tiêu chuẩn cây con và kỹ thuật trồng

          - Tiêu chuẩn cây con: Cây con có thời gian từ 10 - 12 tháng tuổi. Cây khoẻ có hình dáng đẹp, cân đối, không cụt ngọn. Kích th­ước cây: Cao từ 25 - 35cm, đường kính cổ rễ 0,4 - 0,6cm.

      

              - Chọn ngày râm mát, đất trong hố đủ ẩm, moi giữa hố bằng bầu cây cắt bỏ vỏ bầu, đặt cây ngay ngắn, vừa lấp đất màu vừa ấn xung quanh, lấp kín cổ rễ cao 2 - 3cm thành hình mâm xôi.

- Trồng dặm: Sau khi trồng được 15 đến 30 ngày, kiểm tra toàn bộ rừng trồng nếu cây bị chết phải tiến hành trồng dặm ngay.

5. Chăm sóc rừng trồng

Sa mộc sau khi trồng chăm sóc 4 năm.

 - Năm thứ nhất: 

+ Trồng vụ xuân chăm sóc 3 lần, trồng vụ thu chăm sóc 1 lần.

+ Kỹ thuật chăm sóc năm 1 lần 1: Dẫy cỏ, vun màu vào gốc cây, đường kính vun xung quanh gốc 0,6 - 0,8m. Kết hợp trồng dặm cây chết. Còn các lần 2 và 3 phát quang thực bì, cắt gỡ dây leo lấn át cây trồng.

- Năm thứ hai: Chăm sóc 3 lần, lần 1 cũng như­ năm 1 lần 1. Còn các lần   khác phát quang cây bụi, cỏ xâm lấn, cắt gỡ dây leo cuốn gốc cây trồng.

- Năm thứ ba: Chăm sóc 2 lần kỹ thuật như­ lần 2 và lần 3 của năm hai.

- Năm thứ t­ư: Chăm sóc 1 lần như­ năm thứ ba.

6. Sâu bệnh chính và biện pháp phòng trừ

*Sâu đục ngọn:

- Triệu chứng gây hại: Sâu gây hại ngọn chính, ngọn cành bị héo vàng gục xuống, có nhựa chảy ra khô trắng khoảng cách 20 - 30cm từ đỉnh ngọn xuống. Cây sa mộc có một ngọn hoặc nhiều ngọn bị hại, khi ngọn bị sâu hại, do vết đục, gió to làm ngọn bị gẫy gục và héo vàng. Sâu đục ngọn chủ yếu gây hại trong vườn ư­ơm và trên rừng sa mộc non mới trồng.

- Các biện pháp phòng trừ: Khi thấy ngọn có nhựa chảy ra và hơi héo có thể cắt và đốt để tiêu diệt sâu non. Phòng trừ bằng thuốc hoá học, phun thuốc diệt sâu non nên tiến hành vào đầu mùa xuân. Phun thuốc lúc sâu non nở trư­ớc khi chúng xâm nhập vào ngọn. Dùng thuốc hóa học nh­ư: Padan 95SP, Regent 800WG hoặc Ofatox 400EC, phun 2 - 3 lần cách nhau khoảng 15 - 20 ngày.

 *Bệnh khô lá:

- Triệu chứng gây hại: Bệnh hại làm cho cây sa mộc lá vàng từ ngọn lá đến gốc lá, trên lá khô xuất hiện những chấm nhỏ mầu đen. Bệnh xuất hiện từ phần ngọn sau đó lan dần đi xuống phần cành, lá d­ưới gây hại.

- Các biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Những cây bị bệnh nặng cần chặt đem đi tiêu huỷ...Dùng thuốc thuốc hóa học Daconil, Maneb, Benlate hoặc Boocđo 1%,....

7. Bảo vệ rừng, tỉa thưa nuôi dưỡng và khai thác sử dụng

    

- Không để gia súc phá hoại, làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.

- Thường xuyên tuần tra, phát hiện các hành vi xâm hại đến rừng trồng và phòng chống cháy rừng.

             - Tùy vào mục đích sử dụng, từ năm thứ 3 trở đi chúng ta nên tỉa thưa những cây bị sâu bệnh, cụt ngọn.. Không có giá trị kinh tế, chèn ép các cây khác phát triển để làm tăng không gian dinh dưỡng cho những cây còn giữ lại nhằm thúc đẩy khả năng sinh trưởng và phát triển của cây nhanh hơn hoặc có thể tỉa thưa để bán ra thị trường có nhu cầu...     

            - Sau khi trồng 3 - 5 năm rừng khép tán.

           - Rừng trồng sau 5 năm cần được tỉa thưa, để tạo cây có chất lượng cao, điều chỉnh độ tàn che, loại trừ những cây sinh trưởng kém, hình thân xấu, bị sâu bệnh hại. Tỉa thư­a lần thứ 1 mật độ để lại khoảng 800 - 1.000 cây/ha. Đến 9 - 10 năm tuổi tỉa thưa lần 2 mật độ để lại khoảng 400 - 500 cây/ha, tuổi khai thác chính 15 - 20 tuổi.  Rừng Sa mộc có trữ lượng cao, đất tốt khí hậu thích hợp có thể đạt tới 300-400 m3/ha, tăng trưởng trung bình 15-20 m3/ha/năm.

- Gỗ Sa mộc thơm, lõi màu vàng, hoặc đỏ nhạt, giữa lõi và giác không phân biệt rõ. Gỗ nhẹ, thớ thẳng, bền đẹp, ít bị mối, mọt, sâu, nấm ăn hại, có khả năng chịu sức ép ngang, sức kéo và sức uốn cong cao, dễ cưa xẻ, bào trơn, đánh bóng, được dùng vào nhiều công việc như làm cột buồm, đóng tàu thuyền, cột điện, trụ mỏ, đồ gia dụng. Vỏ, rễ, lá cây có thể dùng làm thuốc.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ