Nội dung hội nghị: Đánh giá kết quả triển khai chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Sơn (Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh) phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại tỉnh Quảng Ninh, đại biểu bao gồm: Đại diện các trường Đại học và Viện nghiên cứu; Sở Khoa học và công nghệ; Ủy ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh; Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh; Đại diện các huyện thị và thành phố và một số doanh nghiệp, đại diện cơ quan thông tấn, báo, đài.
Đại diện cho Trường ĐH Nông lâm (Đại học Thái nguyên) tham dự hội thảo bao gồm: PGS.TS. Trần Thị Thu Hà (Trưởng khoa Lâm nghiệp, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững); TS. Đỗ Hoàng Chung (Phó viện trưởng).
Các báo cáo tham luận tại Hội nghị bao gồm: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/03/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh; Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND; Đề xuất các nội dung thảo luận và xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; hỗ trợ cho các chủ rừng chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng phòng hộ; hỗ trợ xử lý thực bì bằng biện pháp không đốt; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu và chính sách hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.
Đại diện Ban tổ chức phát biểu
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Việc sớm ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực thi chính sách có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khuyến khích các chủ đầu tư trồng rừng gỗ lớn; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp "xanh"; kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời tạo ra các sản phẩm lâm sản theo chuỗi có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trên toàn tỉnh.
Tin bài và hình ảnh: T.S Đỗ Hoàng Chung - Phó Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững
- Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn hướng đến phát triển nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
- 8 cách sử dụng đông trùng hạ thảo hiệu quả nhất cho sức khỏe
- Nghiên cứu nhân giống cây Bách Bộ
- Chất quý Cordycepin và Adenosine trong đông trùng hạ thảo
- Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững tiếp đón đoàn tập huấn thực tế về CarboScan và CO2FIX- Dự án CIDEV Tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam (dự án CLIDEV)