Đặc điểm: Cây Thảo quả sống lâu năm, cao 2-3m, thân rễ to phân cành, mọc thành cụm, có nhiều ngấn ngang, màu hồng, phủ bởi những vảy mỏng, đường kính 2,5-4cm, mùi thơm. Cụm hoa dạng bông, mọc từ gốc thân, dài 15-20cm. Quả mọc thành chùm, hình trứng, màu đỏ tía, đường kính 1,7-2cm, dài 2,2-2,7cm, có núm ở đầu, trong quả chia thành 3 ô. Hạt màu vàng nâu, có áo hạt, vị ngọt, mùi thơm hơi cay.
Cây Thảo quả được phân bố ở vùng khí hậu ấm, ẩm ướt, cận nhiệt đới, nhiệt độ trung bình năm từ 15-20 độ C, lượng mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, chịu được tuyết và băng giá. Ấn Độ, Nê pan, Nam Trung Quốc, Campuchia. Ở nước ta Thảo quả phân bố ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang và Cao Bằng.
Thảo quả được dùng để làm thuốc lợi tiêu hóa, dùng chữa đau thần kinh, dùng trong bệnh lậu như kích dục và giải độc khi bò cạp đốt hoặc rắn cắn. Dầu hạt thơm, kích thích, lợi tiêu hóa và dùng đắp lên mí mắt để tiêu viêm. Ở Trung Quốc, Thảo quả được dùng chữa ho, đau ngực có đờm loãng, bụng dạ lạnh đau, tỳ hư ỉa chảy, và sốt rét.
* Giống và kỹ thuật nhân giống:
Giống có thể bằng thân ngầm hoặc bằng nuôi cấy mô
Hình thái cây và quả Thảo quả
Thời vụ trồng
- Trồng vào 2 vụ:
+ Vụ xuân: từ tháng 1 đến tháng 4.
+ Vụ hè thu : từ tháng 6 đến tháng 9.
Tốt nhất là trồng vào tháng 3.
Đất trồng và kỹ thuật làm đất
- Phát dọn thực bì: sử dụng dao phát, cuốc để phát dọn thực bì toàn diện hoặc cục bộ.
- Làm đất: Làm đất cục bộ trước khi trồng ít nhất 20 – 30 ngày.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
- Bón lót: 1kg phân chuồng hoai mục kết hợp với 0,3kg phân hữu cơ vi sinh cho 1 cây.
- Bón thúc cho cây: 2 lần/ năm, mỗi lần bón 100g/hố phân hữu cơ vi sinh.
- Kết hợp chăm sóc lần cuối trong năm sau khi thu hoạch quả bón thúc cho mỗi gốc 1-2kg phân chuồng hoai, trộn với 0,3kg phân hữu cơ vi sinh .
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Phương thức trồng: Có thể trồng thâm canh hoặc trồng dưới tán rừng tự nhiên hay trồng xen với rừng sản xuất.
- Kỹ thuật trồng: Trồng bằng cây trong bầu: rạch bỏ vỏ bầu, đặt bầu cây thẳng đứng trong lòng hố, lấp đất, lèn chặt gốc, cắm que giữ cho cây thẳng đứng. Sau khi dặm chặt vào đất vụn tiếp tục lắp đất cao hơn miệng hố 4-5cm. Cây trồng cách gốc cây gỗ trong rừng khoảng 0,7m.
- Nội dung chăm sóc:
+ Lần 1: phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn. Vun đất xung quanh bụi thảo quả, đường kính từ 1,0- 1,5m, kết hợp với bón phân NPK (tỷ lệ 5.10.5), 0,1 kg/khóm. Chú ý không được làm tổn thương đến mầm cây đang sinh trưởng dưới mặt đất.
+ Lần 2: phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn, chặt bỏ thân khí sinh già kết hợp với bón thúc đón chồi bằng phân 0,3kg phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục 0,5 kg/khóm.
Phòng trừ sâu bệnh
- Thảo quả ít gặp sâu bệnh, chủ yếu gặp một số động vật gây hại như: sâu xám, sâu khoang, bọ rùa, ốc sên. Do đó cần kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện và loại bỏ.
- Chống người và gia súc phá hoại cây trồng.
Thu hoạch và bảo quản
- Thời vụ thu hoạch: Thường sau 3 năm trồng mới thu hoạch. Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu.
- Cách thu hoạch:
- Quả hái được cho vào túi ni lông hay bao nhỏ, khi đầy túi đem ra đổ vào bao tải hoặc thúng mủng để ở đầu bờ.
- Dùng kéo hay dao cắt chùm quả, nếu Thảo quả mọc quá rậm thì tỉa bớt những cây đã già để đảm bảo mật độ thu hoạch cho vụ sau.
- Hái đúng lúc: Việc thu hái Thảo quả đúng lúc nhằm đảm bảo cho quả đạt chất lượng tốt chất, cho năng suất cao nhất. Quả vừa chín có màu đỏ tía thì phải hái ngay là tốt nhất.
- Nếu thu hái sớm thì hạt Thảo quả còn non chỉ đạt khoảng 30 – 40 % phẩm chất.
- Vận chuyển sản phẩm: Các phương tiện sử dụng để vận chuyển dược liệu từ nơi thu hoạch về địa điểm sơ chế cần được làm sạch trước khi sử dụng.
Không sử dụng các phương tiện chở phân bón, thuốc trừ sâu, gia súc, gia cầm, hóa chất, đất cát và các vật có nguy cơ gây ô nhiễm để chở dược liệu. Trong quá trình bốc xếp dược liệu lên xe chú ý không dẫm lên dược liệu, không lèn chặt, không kết hợp việc vận chuyển dược liệu với các sản phẩm khác.
Vận chuyển đến địa điểm sơ chế phải tháo gỡ ngay dược liệu, không để trên xe lâu dược liệu tươi sẽ dễ thối nhũn do nóng làm giảm chất lượng dược liệu.
- Chế biến:
+ Loại bỏ tạp chất sau thu hoạch Thảo quả:Nhặt bỏ rác và các tạp chất còn lẫn vào trong quá trình thu hoạch Thảo quả.
+ Bóc bỏ các lá vảy, lá bắc: Lá bắc được tách ra khỏi quả để chuẩn bị phơi sấy, và tách rời từng quả thảo quả.
+ Phơi, sấy: Phơi Thảo quả trên nong, nia, lá cót hoặc phơi trực tiếp trên sân gạch, sân xi măng. Khi phơi cần rải thành lớp mỏng, thỉnh thoảng đảo trộn.Phơi liên tục 3-4 nắng quả sẽ khô. Cỏ thể sử dụng biện pháp sấy bằng lò sấy dược liệu hay lò sấy thuốc lá. Nếu sấy bằng lò sấy tự tạo cần bố trí để sấy gián tiếp bằng hơi nóng, tránh sấy trực tiếp trên lửa đề phòng bị cháy. Ở nhiệt độ sàn sấy 40 – 50°C. Sàn sấy đan bằng phên, xếp thành các tầng khác nhau, cứ 4-5 tiếng lại đảo vị trí các sàn.
- Đóng gói và bảo quản:
+ Đóng gói: Quả Thảo quả khô được đóng trong bao 2 lớp: Lớp trong là túi polyetylen túi bóng hoặc túi giấy chống ẩm tương tự túi giấy xi măng và lớp ngoài là bao tải. Đóng gói phải đảm bảo đúng chất lượng yêu cầu điều đó một phần phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu đóng gói bảo quản sản phẩm. Chất lượng bao dùng để đóng gói tuỳ thuộc vào từng loại dược liệu..
+ Dán nhãn: Trên mỗi bao bì dược liệu cần dán nhãn. Nội dung nhãn bao gồm các thông tin:
Tên dược liệu: Thảo quả Amomum aromaticum Roxb
Khối lượng trong bao
Địa điểm thu hái
Người lấy (Tên đại diện trong gia đình)
Địa chỉ (Thôn, xã, huyện, tỉnh)/điện thoại nếu có
Ngày lấy/ngày chế biến xong-khô và đóng bao (ngày, tháng, năm)
+ Bảo quản: Quả Thảo quả được sấy khô, cho vào thùng gỗ , trong thùng có lót giấy chống ẩm. Mỗi thùng cho 25 kg Thảo quả và phải bịt kín không cho không khí lọt vào. Thảo quả rất dễ hút ẩm, nên khi bảo quản chủ yếu là phải chống ẩm.
Các bao Thảo quả để trên kệ, cách mặt đất khoảng 50cm trở lên, để trong kho thoáng mát. Thỉnh thoảng phải kiểm tra, nếu phát hiện dược liệu bị ẩm thì tiến hành phơi lại để đảm bảo cho Thảo quả không bị ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng của Thảo quả.
- Ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc:
+ Ngoài việc ghi nhật ký khai thác, trồng, chăm sóc, thu hoạch và các hoạt động sơ chế hàng ngày cũng cần được ghi chép thành nhật ký.
+ Các hoạt động này cần được ghi vào nhãn hoặc thẻ kho gắn trên các bao, túi dược liệu.