Trang chủ Tin tức
0000-00-00 00:00:00

Cây Gừng núi đá

Tên khoa học: Zingiber purpureum Roscoe

Họ thực vật: Zingiberaceae

Cây cao trên 100cm, hình dạng thân cắt ngang tới gốc tròn, lá hình trái xoan hẹp, chiều dài lá 10-15 cm, chiều rộng lá trong khoảng 2,5 – 3,5 cm, dộ dài cuống lá ngắn <5cm, mép lá có lông mi, trên lá có sọc dọc theo phiến lá, lá có màu xanh đậm, lá có mùi, viền lá màu xanh đậm. Tần suất ra hoa mỗi năm một lần, mỗi khóm có 3-5 hoa, cấu tạo hoa dạng bông cụm, hoa màu nâu đỏ, vàng. Cây Gừng núi đá có dạng củ phân nhánh, kích thước củ nhỏ <200g, vỏ củ màu đỏ nâu, màu thịt củ phần trung tâm màu xám, màu phụ ở thịt củ có màu vàng, năng suất 2-3 kg củ/khóm, số củ con trên khóm dao động trong khoảng 8-10 củ, chiều dài củ 5-10 cm, chiều rộng củ tại vị trí rộng nhất 2-3 cm, thời gian sinh trưởng dài trên 10 tháng.

Gừng núi đá mọc trên các núi đá có độ cao trung bình 500-1200m so với mặt nước biển. Cây gừng đá thích hợp với đất mùn trên núi cao, loại đất có hàm lượng mùn cao và tơi xốp, cây gừng núi đá là cây thích hợp với khí hậu mát mẻ của núi đá, ưa bóng, phát triển tốt nhất dưới ánh sáng tán xạ của rừng nguyên sinh, cây phân bố ở các thung lũng, khe đá, dưới tán rừng thưa. Ở nước ta Gừng núi đá phân bố ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn…

Củ Gừng núi đá từ lâu đã được người dân sử dụng để làm gia vị chế biến và bảo quản các món ăn đặc sản như lạp sườn, thịt xông khói, thịt ướp muối…Gừng núi đá có tác dụng kháng viêm, sưng tấy đau nhức, trị chứng khó chịu, chóng mặt có triệu chứng ngất đau bụng, chữa ung thư (Đỗ Tất Lợi, 2001). Nghiên cứu tác dụng dược lý cho thấy tinh dầu Gừng núi đá có tác dụng gây độc tính với tế bào ung thư vú (MCF-7), ung thư vú đa kháng thuốc (MCF7/ADR), ung thư biểu mô tuyến (MDA-MB-231) và ung thư cổ tử cung (hela), hoạt tính kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm (Trần Công Luận và cs, 2016).

Giống và kỹ thuật nhân giống

Cây Gừng núi đá có thể nhân giống bằng tách chồi củ hoặc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Tiêu chuẩn cây giống:

- Tiêu chuẩn cây giống từ tách chồi củ:

+ Cây giống có bộ lá xanh;

+ Cây có chiều cao 15-20 cm, có từ 3 cặp lá;

+ Cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe, không mang mầm bệnh;

+ Tuổi cây giống 3 tháng tuổi (tính từ khi nhân giống đến khi xuất vườn).

- Tiêu chuẩn cây giống từ nuôi cấy mô:

+ Cây có chiều cao 10-15 cm, có từ 3 cặp lá;

+ Cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe, không mang mầm bệnh. Lá xanh và mượt;

+ Tuổi cây giống 3 tháng tuổi (tính từ khi cấy cây vào bầu đến khi xuất vườn).

Cây giống từ nuôi cấy mô có chất lượng đồng đều, giữ nguyên được đặc tính của cây mẹ, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Tuy nhiên cây giống này giá thành đắt hơn cây từ gốc.

Thời vụ trồng

Thời vụ trồng Gừng núi đá từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch khi có mưa phùn, độ ẩm không khí cao (Tốt nhất nên trồng tháng 2 âm lịch).

Đất trồng và kỹ thuật làm đất

- Làm đất: Đất trồng cần dọn sạch, đất đập nhỏ thật tơi xốp tức là đất được xử lý bề mặt trước khi đem trồng.

- Đất trồng nên được vệ sinh, dọn sạch tàn dư, cày sâu ít nhất là 20cm và bừa cẩn thận cho tơi xốp; sau đó tiến hành bón lót phân, chế phẩm sinh học… rồi lên luống cao 10 – 20cm, mặt luống rộng 1 – 2 m, san phẳng mặt luống và đào rãnh thoát nước.

Mật độ, khoảng cách trồng

Cự ly: Cự ly trồng 50 cm x 40 cm. Mật độ trồng: 50.000 cây/ha.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

- Bón lót: 0,5 kg phân chuồng hoai mục/hố và 0,1kg phân NPK; Bón lót trước khi trồng cây 15 ngày.

- Bón thúc: mỗi năm bón thúc 2 lần, lần 1 vào tháng 3 – 4, lần 3 vào tháng 11 -12.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

- Phương thức trồng: Có thể trồng tập trung hay trồng phân tán dưới tán rừng tự nhiên hay rừng trồng có độ tàn che từ 0.3 trở lên; hoặc trồng xen dưới tán của rừng.

- Sau khi đào hố ủ phân ta tiến hành trồng đặt giống sâu 5 – 6 cm tránh để trực tiếp lên phân, lấy đất mịn phủ lên dày 4-5 cm rồi ấn nhẹ tay để đất tiếp xúc tốt với củ, sau đó phủ đất mịn cho bằng mặt luống.

- Chăm sóc: Trồng dưới tán rừng hoặc ngoài trời nhưng cần có lưới che. Cần cung cấp đủ nước cho gừng phát triển nếu thời tiết khô hạn. Tuy nhiên, trong quá trình trị bệnh ở một số thời điểm nhất định thì việc cắt giảm nước tưới để hạn chế sự lây lan của dịch hại là cần thiết.

- Làm cỏ, vun gốc: Tiến hành phun trừ hoặc làm cỏ dại bằng tay vào giai đoạn 25 - 30 ngày sau khi trồng, kết hợp với bón thúc đợt 1 cho cây. Trong các tháng sau, khi thấy cỏ dại thì phải làm sạch và tủ lại quanh gốc, không để củ gừng lộ khỏi mặt đất nhằm đảm bảo phẩm chất và giá trị thương phẩm.

Mặt khác, cần bảo quản tốt diện tích canh tác, không để các con vật cắn phá, dẫm đạp lên cây. Không để củ lộ khỏi mặt đất để đảm bảo phẩm chất và giá trị thương phẩm của gừng.

Phòng trừ sâu bệnh

Trên cây Gừng núi đá xuất hiện cả 5 loại sâu bệnh chính đó là sâu xám, ốc sên, bệnh cháy lá, bệnh thối củ do nấm, bệnh thối củ do vi khuẩn.

* Sâu xám:

 Sâu xám thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Phòng trị: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như: Basudin, Regent, Furadan…

Chú ý: Sử dụng biện pháp sinh học có nguồn gốc thảo mộc (pha trộn dịch xay của hổn hợp tỏi, xà phòng và ớt) để phòng bệnh.

* Bệnh hại:

- Bệnh thối củ:

+ Thối xanh:

Bệnh do vi khuẩn lưu tồn trong đất, nước hoặc côn trùng gây ra. Gừng đang xanh bỗng héo đột ngột vào giữa trưa, có tươi lại vào lúc chiều mát và chết rất nhanh; thân bị nhũn nước, tách rời củ và có màu sậm; khi nhổ lên, đỉnh sinh trưởng có nước màu đục và có mùi hôi đặc trưng.

Phòng trừ: do đặc điểm bệnh rất khó trị, lây lan nhanh nên và gây tổn thất lớn nên phòng bệnh là vấn đề cần thiết và bắt buộc. Khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục để bón.

+ Thối vàng:

Bệnh do nấm Fusarium gây vàng lá, sau đó rụng và chết tương đối chậm, trên củ có vết màu nâu, phần củ nhăn nheo và tóp lại có phủ lớp tơ màu trắng.

Phòng trừ bằng cách sử dụng các loại chế phẩm sinh học Bima hoặc sử dụng biện pháp sinh học có nguồn gốc thảo mộc (pha trộn dịch xay của hổn hợp tỏi, xà phòng và ớt).

Thu hoạch và bảo quản

- Thời vụ thu hoạch:Tuỳ vào mục đích sử dụng, có thể thu hoạch gừng vào cuối mùa Đông.

- Cách thu hoạch:Cẩn thận dùng cuốc để thu hoạch gừng, tránh làm xây xát củ (làm giảm giá trị thương phẩm và khó bảo quản); sau đó nhổ cả bụi, rũ sạch đất, chất thành khóm và tiến hành cắt lấy củ.

- Vận chuyển sản phẩm: Các phương tiện sử dụng để vận chuyển củ Gừng núi đá từ nơi thu hoạch về địa điểm sơ chế cần được làm sạch trước khi sử dụng.

Không sử dụng các phương tiện chở phân bón, thuốc trừ sâu, gia súc, gia cầm, hóa chất, đất cát và các vật có nguy cơ gây ô nhiễm để chở dược liệu. Trong quá trình bốc xếp củ Gừng núi đá lên xe chú ý không dẫm lên, không lèn chặt, không kết hợp việc vận chuyển dược liệu với các sản phẩm khác.

Vận chuyển đến địa điểm sơ chế phải tháo gỡ ngay, không để trên xe lâu dược liệu tươi sẽ dễ thối nhũn do nóng làm giảm chất lượng trong củ.

- Chế biến:

+ Làm sạch: Rửa sạch đất cát, để ráo nước.

+ Phơi, sấy: Phơi trên nong, nia hoặc phơi trực tiếp dưới nắng nhẹ. Phơi nắng liên tục cần 4-5 ngày hay sấy ở nhiệt độ ổn định từ 50-60oC trong 26-30 giờ đến khô.

- Đóng gói và bảo quản:

+ Đóng gói: Sau khi phơi hoặc sấy khô, để nguội khoảng 20-30 phút, sau đóng gói ngay. Dược liệu Hoàng tinh trắng khô đóng gói bằng túi 2 lớp. Lớp trong là túi nilon, lớp ngoài là bao tải; cũng có thể đóng gói 1 lớp bằng bao tải mới, sau buộc kín miệng bao.

+ Dán nhãn: Trên mỗi bao bì dược liệu cần dán nhãn. Nội dung nhãn bao gồm các thông tin:

Tên dược liệu: Gừng núi đá (Zingiber purpureum Roscoe).

Khối lượng trong bao.

Địa điểm thu hái.

Người lấy (Tên đại diện trong gia đình).

Địa chỉ (Thôn, xã, huyện, tỉnh)/điện thoại nếu có.

Ngày lấy/ngày chế biến xong-khô và đóng bao (ngày, tháng, năm).

+ Bảo quản: Có thể bào quản trong khi lạnh theo công nghệ hiện đại hoặc các bao dược liệu thành phẩm được để trên kệ hoặc ghế, cách mặt đất khoảng 50cm, cách tường 10-20 cm và phải ở trong nhà hoặc nhà kho; đảm bảo khô ráo và thông thoáng.

Nơi bảo quản cần tránh xa nơi chứa hóa chất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu...).

Không xếp chồng quá nhiều bao dược liệu .

Nơi chứa dược liệu phải được cách ly với gia súc, gia cầm và vật nuôi.

Không sử dụng thuốc diệt chuột, mối mọt trong các kho bảo quản dược liệu.

Kiểm tra kho thường xuyên để phát hiện các yếu tố gây hại cho dược liệu.

Tốt nhất là sau khi đóng bao và dán nhãn cần liên hệ ngay với các đại lý dược liệu để thu mua.

  • Ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc:

+ Ngoài việc ghi nhật ký khai thác, trồng, chăm sóc, thu hoạch và các hoạt động sơ chế hàng ngày cũng cần được ghi chép thành nhật ký.

+ Các hoạt động này cần được ghi vào nhãn hoặc thẻ kho gắn trên các bao, túi dược liệu.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
VĂN BẢN MỚI NHẤT

Lượt truy cập: 37930071

Đang online: 2856

Ngày hôm qua: 18746

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ